Theo nhiều chuyên gia, để hướng đến mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam cần xác định động cơ tăng trưởng chính là nền kinh tế số.

Theo trình bày của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Đại hội sáng 26/1, ba đột phá chiến lược này gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng…

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết so với trước đây, ba đột phá được đề ra tại Đại hội XIII có nhiều điểm mới.

Về thể chế, văn kiện Đại hội XI, XII chỉ đề cập đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thì lần này được mở rộng là “hoàn thiện thể chế phát triển”, tức bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Trong đó, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Về phát triển nhân lực chất lượng cao, báo cáo lần này xác định rõ hơn là ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt.

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Đại hội XII nêu mục tiêu phát triển nhiều loại hạ tầng, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu và kết cấu hạ tầng ở địa bàn đô thị, những địa bàn còn khó khăn… Văn kiện Đại hội XIII đề cập cụ thể hơn là ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Chiến lược phát triển đất nước là lâu dài, ba đột phá trên được đề ra tại Đại hội XI, XII nhưng qua 10 năm thực hiện mới đạt kết quả bước đầu. Vì vậy, trong 5 năm tới cần xác định rộng hơn đột phá thứ nhất và đi vào trọng tâm, trọng điểm trong đột phá thứ hai, thứ ba”, ông Thông phân tích.

Việt Nam phát triển dựa chủ yếu vào kinh tế số
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Giang Huy

Cùng quan điểm ông Đồng cũng phân tích, phát triển kinh tế số có nhiều điểm thuận lợi, phù hợp với đặc tính của người Việt Nam. “Tác phong công nghiệp, chuyên nghiệp của lao động Việt Nam theo mô hình sản xuất công nghiệp chưa cao. Tuy nhiên, những đặc tính này có thể phù hợp với kinh tế số, như linh hoạt, khả năng làm dịch vụ tốt. Nền tảng giáo dục của người Việt Nam được đánh giá khá phù hợp với loại hình này”.

Ông cũng đánh giá chủ trương “đột phá” xây dựng hạ tầng thông tin, viễn thông, là bước đi quan trọng. Bởi đây là những điều kiện cần thiết để các giao dịch, thương mại số hoạt động tốt. “Không chỉ chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông ở đô thị mà còn phải coi trọng cả những vùng nông thôn”, ông Đồng đề xuất.

Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý để thúc đẩy kinh tế số, bởi những vấn đề trên Internet có nhiều điểm mới khác với trước đây, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản dữ liệu hoặc cơ sở pháp lý cho các nội dung số như trò chơi trực tuyến, xuất bản số…

“Các nhà lập pháp và hành pháp phải xử lý tính xuyên biên giới của kinh tế số như thế nào? Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới. Nếu không sớm xây dựng hạ tầng pháp lý để tạo ưu thế thì khó thu hút các nhà đầu tư vào kinh tế số ở Việt Nam”, ông Đồng nêu quan điểm.

Đồng thời, Việt Nam cần sớm đào tạo đội ngũ nhân lực, công dân cho nền kinh tế số. Theo ông Đồng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay thì khả năng dư thừa lao động những năm tới là rất cao. Vì vậy, lực lượng lao động cần sớm được trang bị kỹ năng cần thiết để thích ứng như sự sáng tạo, linh hoạt, khả năng học hỏi… “Nếu chỉ đơn giản học đủ kiến thức để làm việc thì con người khó cạnh tranh được với máy móc. Những công dân số cần được đào tạo ngay từ trong trường học, bằng cách đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông”, ông Đồng nói.

TS Nguyễn Đình Cung, thành viên thường trực Tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, nhìn nhận 10 năm qua, nhất là từ 2015 đến nay, Chính phủ đã thực hiện khá tốt cải cách thể chế.

TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: CTV

Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam được cải thiện đáng kể, tăng từ 88/183 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2010 lên 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019.

Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng, gia tăng sức chống chịu, dù năm 2020 bị dịch Covid-19 tác động lớn nhưng vẫn thực hiện được “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, nhìn chung 10 năm qua thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm, hiệu quả sử dụng nguồn lực quá thấp, thể chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin – cho là chính.

Để tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức sắp tới, ông Cung cho rằng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về thể chế. Chiến lược phát triển 10 năm tới của Đảng đã xác định “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; đồng thời “lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”.

Theo Vnexpress

[contact-form-7 404 "Not Found"]